Dạng đề nghị luận xã hội là dạng đề kiểm tra về kỹ năng, vốn sống, mức độ hiểu biết của học sinh về xã hội để các em nêu lên những suy nghĩ về cuộc sống, về tâm tư tình cảm nói chung nhằm giáo dục, rèn luyện nhân cách cho học sinh. Nhìn chung, dạng đề văn nghị luận xã hội thường tập trung vào một số vấn đề cơ bản mang giá trị đạo lý làm người, những hiện tượng thường xảy ra trong xã hội mà qua đó trở thành kinh nghiệm sống cho mọi người.
Bạn đang xem: Dàn ý nghị luận xã hội lớp 11
I. CÁC DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI THƯỜNG GẶP
1. Nghị luận về một hiện tượng đời sống
– Hiện tượng có tác động tích cực đến suy nghĩ (tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo…).
– Hiện tượng có tác động tiêu cực (bạo lực học đường, tai nạn giao thông…).
– Nghị luận về một mẩu tin tức báo chí (hình thức cho một đoạn trích, mẩu tin trên báo… Rút ra vấn đề nghị luận).
2. Nghị luận về một tư tưởng đạo lý
– Tư tưởng mang tính nhân văn, đạo đức (lòng dũng cảm, khoan dung, ý chí nghị lực…).
– Tư tưởng phản nhân văn (ích kỷ, vô cảm, thù hận, dối trá…).
– Nghị luận về hai mặt tốt xấu trong một vấn đề.
– Vấn đề có tính chất đối thoại, bàn luận, trao đổi.
– Vấn đề đặt ra trong mẩu truyện nhỏ hoặc đoạn thơ.
II. NHỮNG VẤN ĐỀ LƯU Ý KHI LÀM BÀI VĂN NGHỊ LUẬN
1. Đọc kỹ đề
– Mục đích: Hiểu rõ yêu cầu của đề, phân biệt được tư tưởng đạo lý hay hiện tượng đời sống.
– Phương pháp xác định: Đọc kỹ đề, gạch chân dưới từ, cụm từ quan trọng để giải thích và xác lập luận điểm cho toàn bài. Từ đó có định hướng đúng mà viết bài cho tốt.
2. Lập dàn ý
– Giúp ta trình bày văn bản khoa học, có cấu trúc chặt chẽ, hợp logic.
– Kiểm soát được hệ thống ý, lập luận chặt chẽ, mạch lạc.
– Chủ động dung lượng các luận điểm phù hợp, tránh lan man, dài dòng.
3. Dẫn chứng phù hợp
– Không lấy những dẫn chứng chung chung (không có người, nội dung, sự việc cụ thể) sẽ không tốt cho bài làm.
– Dẫn chứng phải có tính thực tế và thuyết phục (người thật, việc thật).
– Đưa dẫn chứng phải thật khéo léo và phù hợp (tuyệt đối không kể lể dài dòng).
3. Lập luận chặt chẽ, lời văn cô động, giàu sức thuyết phục
– Lời văn, câu văn, đoạn văn viết phải cô đúc, ngắn gọn.
– Lập luận phải chặt chẽ.
– Cảm xúc trong sáng, lành mạnh.
– Để bài văn thấu tình đạt lý thì phải thường xuyên tạo lối viết song song (đồng tình, không đồng tình; ngợi ca, phản bác…).
4. Bài học nhận thức và hành động
– Sau khi phân tích, chứng minh, bàn luận… thì phải rút ra cho mình bài học.
– Thường bài học cho bản thân bao giờ cũng gắn liền với rèn luyện nhân cách cao đẹp, đấu tranh loại bỏ những thói xấu ra khỏi bản thân, học tập lối sống…
5. Độ dài cần phù hợp với yêu cầu đề bài
– Khi đọc đề cần chú ý yêu cầu đề (hình thức bài làm là đoạn văn hay bài văn, bao nhiêu câu, bao nhiêu chữ…) từ đó sắp xếp ý tạo thành bài văn hoàn chỉnh.
III. CẤU TRÚC ĐỀ VÀ CÁC DẠNG ĐỀ CỤ THỂ
1. Nghị luận về tư tưởng đạo lý
1.1 Khái niệm: Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, quan điểm nhân sinh (như các vấn đề về nhận thức; về tâm hồn nhân cách; về các quan hệ gia đình xã hội, cách ứng xử; lối sống của con người trong xã hội…).
Cấu trúc bài văn:
a. Mở bài
– Giới thiệu khái quát tư tưởng, đạo lý cần nghị luận.
– Nêu ý chính hoặc câu nói về tư tưởng, đạo lý mà đề bài đưa ra.
b. Thân bài
– Luận điểm 1: Giải thích yêu cầu đề
+ Cần giải thích rõ nội dung tư tưởng đạo lý.
+ Giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có).
+ Rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý; quan điểm của tác giả qua câu nói (thường dành cho đề bài có tư tưởng, đạo lý được thể hiện gián tiếp qua câu danh ngôn, tục ngữ, ngạn ngữ…).
– Luận điểm 2: Phân tích và chứng minh
+ Các mặt đúng của tư tưởng, đạo lý (thường trả lời câu hỏi tại sao nói như thế?).
+ Dùng dẫn chứng xảy ra cuộc sống xã hội để chứng minh.
+ Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội.
– Luận điểm 3: bình luận mở rộng vấn đề
+ Bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lý (vì có những tư tưởng, đạo lý đúng trong thời đại này nhưng còn hạn chế trong thời đại khác, đúng trong hoàn cảnh này nhưng chưa thích hợp trong hoàn cảnh khác).
+ Dẫn chứng minh họa (nên lấy những tấm gương có thật trong đời sống).
– Rút ra bài học nhận thức và hành động
+ Rút ra những kết luận đúng để thuyết phục người đọc.
+ Áp dụng vào thực tiễn đời sống.
c. Kết bài
– Nêu khái quát đánh giá ý nghĩa tư tưởng đạo lý đã nghị luận.
– Mở ra hướng suy nghĩ mới.
2. Dàn ý về dạng đề mang tính nhân văn
2.1 Khái niệm:
– Các tính nhân văn tốt đẹp: lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí nghị lực, tôn sư trọng đạo…
– Hình thức: thường ra dưới dạng một ý kiến, một câu nói, một hay vài câu thơ hoặc tục ngữ, ngạn ngữ…
2.2 Cấu trúc bài làm
a. Mở bài: Trong trường hợp là đề yêu cầu bàn về một câu nói, một ý kiến thì chúng ta nêu nội dung của ý kiến rồi dẫn ý kiến vào.
Ví dụ trường hợp đề là một bài văn nghị luận ngắn nêu suy nghĩ về một vấn đề nào đó như: Viết một bài văn nghị luận ngắn trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”.
Ta mở bài như sau:
Cuộc sống quanh ta có biết bao nhiêu là khó khăn và thử thách. Nếu chúng ta hèn nhát và yếu đuối chắc chắn sẽ gặp thất bại nhưng với ý chí và nghị lực vượt qua mọi gian khó thì con đường vươn đến thành công sẽ mở ra trước mắt. Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã ghi lại trong những dòng nhật ký đầy máu, nước mắt và niềm tin: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Đó là giá trị chân lý sống, là con đường vươn tới tương lai.
b. Thân bài
Trong trường hợp đề chỉ yêu cầu bàn về đức tính của con người.
Ví dụ: Cho mẩu chuyện sau: “Có một con kiến đang tha chiếc lá trên lưng. Chiếc lá lớn hơn con kiến gấp nhiều lần. Đang bò, kiến gặp phải một vết nứt khá lớn trên nền xi măng. Nó dừng lại giây lát, đặt chiếc lá ngang qua vết nứt rồi vượt qua bằng cách bò lên trên chiếc lá. Đến bờ bên kia, con kiến lại tiếp tục tha chiếc lá và tiếp tục cuộc hành trình”. Bằng một văn bản ngắn (khoảng 1 trang giấy thi), trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa mẩu chuyện trên.
Trước hết, ta cần tìm hiểu thông điệp câu chuyện gửi đến: Những khó khăn, trở ngại vẫn thường xảy ra trong cuộc sống, luôn vượt khỏi toan tính và dự định của con người. Vì vậy, mỗi người cần phải có nghị lực, sáng tạo để vượt qua.
– Giải thích ý nghĩa truyện:
+ Chiếc lá và vết nứt: Biểu tượng cho những khó khăn, vất vả, trở ngại, những biến cố có thể xảy ra đến với con người bất kì lúc nào.
+ Con kiến dừng lại trong chốc lát để suy nghĩ và nó quyết định đặt ngang chiếc lá qua vết nứt, rồi vượt qua bằng cách bò lên trên chiếc lá. Đó là biểu tượng cho con người biết chấp nhận thử thách, biết kiên trì, sáng tạo, dũng cảm vượt qua bằng chính khả năng của mình.
– Bàn luận
+ Thực tế: những người biết chấp nhận thử thách, biết kiên trì, sáng tạo, dũng cảm vượt qua bằng chính khả năng của mình sẽ vươn đế thành công.
+ Tại sao con người cần có nghị lực trong cuộc sống?
Cuộc sồng không phải lúc nào cũng êm ả, xuôi nguồn mà luôn có những biến động, những gian truân thử thách. Con người cần phải có ý chí, nghị lực, thông minh, sáng tạo và bản lĩnh mạnh dạn đối mặt với khó khăn gian khổ, học cách sống đối đầu và dũng cảm; học cách vươn lên bằng nghị lực và niềm tin. Dẫn chứng: Lê Lợi mười năm nếm mật nằm gai đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đến thắng lợi.
– Phê phán những quan niệm, suy nghĩ sai trái:
+ Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những người bi quan, chán nản, than vãn, buông xuôi, ỷ lại, hèn nhát, chấp nhận, đầu hàng, đổ lỗi cho số phận…. cho dù những khó khăn ấy chưa phải là tất cả.
Xem thêm: Quy Đổi: 1 Usd Bằng Bao Nhiêu Tiền Việt Nam Hôm Nay, 1 Đô La Mỹ Bằng Bao Nhiêu Tiền Việt Nam
+ Dẫn chứng (lấy từ thực tế cuộc sống).
– Bài học nhận thức và hành động:
+ Về nhận thức: Khi đứng trước thử thách cuộc đời cần bình tĩnh, linh hoạt, nhạy bén tìm ra hướng giải quyết tốt nhất (chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo).
+ Về hành động: Khó khăn, gian khổ cũng là điều kiện thử thách và tôi luyện ý chí, là cơ hội để mỗi người khẳng định mình. Vượt qua nó, con người sẽ trưởng thành hơn, sống có ý nghĩa hơn.
c. Kết bài
– Khẳng định lại vấn đề.
– Liên hệ.
Ví dụ: Tóm lại, cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Khó khăn, thử thách, sóng gió có thể nổi lên bất cứ lúc nào. Đó là qui luật tất yếu mà con người phải đối mặt. Vì thế cần phải rèn luyện nghị lực và có niềm tin vào cuộc sống. “Đường đi trải đầy hoa hồng sẽ không bao giờ dân đến vinh quang”.
3. Dạng đề nêu những vấn đề tác động đến việc hình thành nhân cách con người
3.1 Các vấn đề thường gặp:
– Vấn đề tích cực: tình yêu quê hương đất nước, lòng nhân ái, tình yêu thiên nhiên, ý chí nghị lực, hành động dũng cảm…
– Vấn đề tiêu cực: Thói dối trá, lối sống ích kỷ, phản bội, ghen tị, vụ lợi cá nhân…
3.2 Dạng đề
Đề thường ra dưới dạng một ý kiến, một câu nói, tục ngữ, ngạn ngữ, một mẩu chuyện nhỏ, một đoạn tin trên báo đài…
Ví dụ: Sài Gòn hôm nay đầy nắng. Cái nắng gắt như thiêu như đốt khiến dòng người chạy bạt mạng hơn. Ai cũng muốn chạy cho nhanh để thoát khỏi cái nóng. Một người phụ nữ độ tuổi trung niên đeo trên vai chiếc ba lô thật lớn, tay còn xách giỏ trái cây. Phía sau bà là một thiếu niên. Cứ đi được một đoạn, người phụ nữ phải dừng lại nghỉ mệt. Bà lắc lắc cánh tay, xoay xoay bờ vai cho đỡ mỏi. Chiếc ba lô nặng oằn cả lưng. Chàng thiếu niên con bà bước lững thững, nhìn trời ngó đất. Cậu chẳng mảy may để ý đến những giọt mồ hôi đang thấm ướt vai áo mẹ. Chốc chốc thấy mẹ đi chậm hơn mình, cậu còn quay lại gắt gỏng: “Nhanh lên mẹ ơi! Mẹ làm gì mà đi chậm như rùa”.
(Những câu chuyện xót xa về sự vô cảm của con trẻ – http://vietnamnet.vn)
Viết văn bản ngắn (khoảng một trang giấy thi) nêu suy nghĩ của em về hiện tượng được nhắc đến trong câu chuyện trên.
a. Mở bài
Ta có gợi ý mở bài như sau: “Trong cuộc sống, nếu như chúng ta có sự quan tâm lẫn nhau, biết suy nghĩ về nhau thì cuộc đời sẽ đẹp biết bao. Thế nhưng, hiện nay sự thờ ơ vô cảm của giới trẻ đang xuất hiện ngày càng nhiều. Những câu chuyện xót xa về sự vô cảm của con trẻ được đăng trên vietnamnet.vn đã gợi cho chúng ta nhiều suy tư về quan niệm sống trong xã hội.”
b. Thân bài
– Giải thích
+ Thế nào là thờ ơ, vô cảm?
+ Những hiện tượng vô cảm, thờ ơ trong gia đình hiện nay được biểu hiện như thế nào? (tóm tắt lại văn bản một cách ngắn gọn, rút ra vấn đề).
– Bàn luận
+ Thực trạng: Thờ ơ, vô tâm; quát mắng cha mẹ; đánh đập, thậm chí làm người thân tổn thương vì những hành vi bạo lực,…
+ Hậu quả: Con người trở nên lãnh cảm với mọi thứ, tình cảm thiếu thốn dễ nảy sinh tội ác, khó hình thành nhân cách tốt đẹp; gia đình thiếu hơi ấm, nguội lạnh, thiếu hạnh phúc, dễ gây bất hòa; sự vô cảm, cái ác sẽ thống trị và nhân lên trong xã hội,…
+ Nguyên nhân:
* Bản thân (thiếu ý thức chia sẻ gian khó với mọi người xung quanh, chỉ biết vụ lợi…).
* Gia đình (cha mẹ quá nuông chìu con cái, thiếu giáo dục ý thức cộng đồng cho con cái…).
* Nhà trường (chỉ chăm lo dạy chữ mà coi nhẹ việc giáo dục đạo đức, bồi dưỡng tình cảm cho học sinh…).
* Xã hội (sự phát triển không ngừng của khoa học, con người trở nên xơ cứng, chỉ nghĩ đến cá nhân, thiếu ý thức cộng đồng…).
– Phê phán
+ Những biểu hiện lạnh lùng vô cảm.
+ Đề cao thái độ đồng cảm, tình người.
+ Nêu dẫn chứng.
– Bài học nhận thức và hành động
+ Về nhận thức: đây là một vấn đề xấu nhiều tác hại mà mỗi chúng ta cần đấu tranh và loại bỏ ra khỏi bản thân mình và xã hội.
+ Về hành động, cần học tập và rèn luyện nhân cách, sống cao đẹp, chan hòa, chia sẻ, có ý thức cộng đồng.
c. Kết bài
Quan tâm, chia sẻ với mọi người chung quanh để đầy ý nghĩa.
4. Cách thiết lập dàn ý nghị luận về hiện tượng đời sống
4.1 Khái niệm
– Nghị luận về một hiện tượng đời sống là bàn bạc về một hiện tượng đang diễn ra trong thực tế đời sống xã hội mang tính chất thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều người (như ô nhiễm môi trường, nếp sống văn minh đô thị, tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, lối sống thờ ơ vô cảm, đồng cảm và chia sẻ…).
– Đó có thể là một hiện tượng tốt hoặc xấu, đáng khen hoặc đáng chê.
– Phương pháp: Để làm tốt kiểu bài này, học sinh cần phải hiểu hiện tượng đời sống được đưa ra nghị luận có thể có ý nghĩa tích cực cũng có thể là tiêu cực, có hiện tượng vừa tích cực vừa tiêu cực… Do vậy, cần căn cứ vào yêu cầu cụ thể của đề để gia giảm liều lượng cho hợp lý, tránh làm bài chung chung, không phân biệt được mặt tích cực hay tiêu cực.
4.2 Thiết lập dàn ý
a. Mở bài: Giới thiệu hiện tượng đời sống phải nghị luận.
b. Thân bài
– Luận điểm 1: giải thích sơ lược hiện tượng đời sống; làm rõ những hình ảnh, từ ngữ, khái niệm trong đề bài.
– Luận điểm 2: nêu rõ thực trạng các biểu hiện và ảnh hưởng của hiện tượng đời sống.
+ Thực tế vấn đề đang diễn ra như thế nào, có ảnh hưởng ra sao đối với đời sống, thái độ của xã hội đối với vấn đề.
+ Chú ý liên hệ với thực tế địa phương để đưa ra những dẫn chứng sắc bén, thuyết phục từ đó làm nổi bật tính cấp thiết phải giải quyết vấn đề.
– Luận điểm 3: lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đời sống, đưa ra các nguyên nhân nảy sinh vấn đề, các nguyên nhân từ chủ quan, khách quan, do tự nhiên, do con người. Nguyên nhân nảy sinh vấn đề để đề xuất phương hướng giải quyết trước mắt, lâu dài.
– Luận điểm 4 đề xuất giải pháp để giải quyết hiện tượng đời sống. Chú ý chỉ rõ những việc cần làm, cách thức thực hiện, đòi hỏi sự phối hợp với những lực lượng nào).
c. Kết bài
– Khái quát lại vấn đề đang nghị luận.
– Thái độ của bản thân về hiện tượng đời sống đang nghị luận.
5. Cụ thể hóa cấu trúc hiện tượng đời sống có tác động đến con người
a. Mở bài:
Ví dụ 1: “Việt Nam vốn là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và có nhiều truyền thống nhân văn cao đẹp về lòng yêu thương con người, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự đồng cảm sẻ chia… Một trong những biểu hiện cao đẹp của truyền thống ấy đang được tuổi trẻ ngày nay phát huy. Đó chính là (…). Đây là một hiện tượng tốt có nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp.”
– Ví dụ 2: “Môi trường học đường của chúng ta hiện nay đang đứng trước thử thách bởi các vấn nạn: bạo lực học đường, gian lận trong thi cử, nói tục chửi thề, bệnh thành tích trong giáo dục… Một trong những vấn đề thách thức hàng đầu hiện nay đó chính là (…). Đây là một hiện tượng tiêu cực có nhiều tác hại mà ta cần lên án và loại bỏ”.
– Ví dụ 3:Xã hội của chúng ta hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức như: tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, nạn tham nhũng, bệnh vô cảm… Một trong những vấn đề thách thức hàng đầu hiện nay đó chính là (…). Đây là một hiện tượng xấu có nhiều tác hại mà ta cần lên án và loại bỏ.
b. Thân bài
Ví dụ: Đề bàn về tai nạn giao thông.
Trước hết ta cần hiểu “Tai nạn giao thông” là gì? Tai nạn giao thông là tai nạn do các phương tiện tham gia giao thông gây nên. Bao gồm: tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không. Trong đó nhiều nhất là tai nạn giao thông đường bộ.
Bàn luận:
– Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông: (trình bày nguyên nhân):
+ Chủ quan: ý thức người tham gia giao thông. Đây là ngyên nhân cơ bản, quan trọng nhất dẫn đến tai nạn giao thông: không chấp hành luật giao thông, thiếu quan sát, phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu, sử dụng rượu bia và các chất kích thích khi tham gia giao thông…
+ Khách quan: cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, mật độ dân số ngày càng đông…
– Phân tích những nguyên nhân, tìm ra biện pháp khắc phục: (trình bày biện pháp).
+ Xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật
+An toàn giao thông – hạnh phúc của mọi người, mọi nhà.
+Hãy chấp hành nghiêm luật giao thông đường bộ.
+ Hãy đội mũ bảo hiểm để bảo vệ cuộc sống của bạn.
+Lái xe bất cẩn – Ân hận cả đời.
+ Hãy nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông.
+ Có văn hóa giao thông là sống vì cộng đồng.
– Bài học bản thân: “An toàn là bạn, tai nạn là thù” để không trở thành nạn nhân của tai nạn giao thông. Như rèn luyện nhân cách, bản lĩnh; tham gia vào các sinh hoạt văn hóa lành mạnh…
c. Kết bài
– Tai nạn giao thông là một vấn nạn ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội cần sữ chung sức của cả cộng đồng.
– Hãy thể hiện mình là người có văn hóa khi tham gia giao thông.
Nghị luận xã hội là một vấn đề vô cùng phong phú, đa dạng, đa diện đòi hỏi kiến thức xã hội, kỹ năng sống, khả năng tiếp cận vấn đề của người học sinh. Vì thế, các em cần rèn luyện cách nghĩ, cách nhìn vấn đề thật tinh tường để đạt hiệu quả khi đánh giá nhận định vấn đề xã hội. Trên đây là một số gợi ý nhỏ giúp các bạn làm hành trang khi viết văn nghị luận xã hội. Chúc các bạn học tốt.
Chuyên mục: Nhà Cái Uy Tín
Source: Minh Gà Chọi